Những trường hợp được chỉ định và chống chỉ định nhổ răng
1. Trường hợp chỉ định nhổ răng
Dù răng vĩnh viễn sẽ tồn tại suốt đời nhưng có một số trường hợp có thể phải nhổ răng như:
- Chỉnh nha: mục tiêu của chỉnh nha là sắp xếp răng đúng cách. Nếu răng quá to hoặc quá nhiều, mọc lệch… sẽ phải nhổ. Ở một số trường hợp, nếu răng dư thừa chiếm chỗ, không có chỗ cho răng khác mọc lên, đặc biệt răng khôn mọc lệch cũng cần được nhổ. Khi cần trồng răng hoặc niềng răng có thể phải nhổ 1 số răng.
- Sâu răng: nếu sâu răng hoặc tổn thương lan đến tủy răng (trung tâm của răng chứa dây thần kinh và mạch máu) thì vi khuẩn trong miệng có thể xâm nhập vào tủy răng, dẫn đến nhiễm trùng. Tuy điều này có thể khắc phục bằng liệu pháp điều trị tủy (RCT) nhưng nếu nhiễm trùng nghiêm trọng đến mức thuốc kháng sinh hoặc RCT không thể chữa khỏi, lúc này cần nhổ răng để ngăn nhiễm trùng lan rộng. (1)
- Ngăn nguy cơ nhiễm trùng: hệ miễn dịch bị tổn thương do hóa trị hoặc đang cấy ghép nội tạng,… phải nhổ những răng có nguy cơ nhiễm trùng, ngăn nhiễm trùng lan rộng và tấn công lại hệ thống miễn dịch, khiến hệ miễn dịch yếu hơn.
- Xạ trị: trong khi xạ trị những bệnh vòm họng, khoang miệng, những răng nằm trên tia xạ trị phải được nhổ. Vì tia xạ trị có ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và nướu răng, gây bất lợi cho răng hàm trên và hàm dưới. Nếu nhổ răng sau khi xạ trị rất dễ nhiễm trùng.
- Nhổ răng khôn: răng khôn thường xuất hiện trong quá trình phát triển răng miệng và thường phải nhổ đi. Đặc trưng của răng khôn là mọc ngầm hoặc kẹt trong hàm, không thể mọc ra ngoài như những răng còn lại. Điều này có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy vùng nướu xung quanh, nhiễm trùng, áp xe,…
- Sử dụng thuốc bisphosphonates: để điều trị phòng ngừa bệnh loãng xương, trước khi sử dụng bisphosphonates tiêm tĩnh mạch, người bệnh sẽ được bác sĩ nhổ những răng có nguy cơ bị viêm. Nếu nhổ răng sau khi đã sử dụng bisphosphonates có thể dẫn đến tăng nguy cơ thoái hóa xương, xương mòn trong vùng hàm.
2. Trường hợp chống chỉ định nhổ răng
- Người bệnh mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính, có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như viêm lợi, viêm vòm họng cấp tính, viêm khớp răng, viêm tủy răng cấp tính, viêm xoang cấp tính,… không nên nhổ răng.
- Người mắc các bệnh về rối loạn đông máu, tiểu đường, tim mạch,… khi muốn nhổ răng cần được bác sĩ chỉ định.
- Người bệnh động kinh, loạn thần, không thể tự kiểm soát hành vi của bản thân,… phải dùng thuốc an thần trước vài ngày, sau đó mới nhổ răng.
- Phụ nữ đang trong thời kỳ hành kinh, mang thai hạn chế nhổ răng.
- Một số trường hợp tuyệt đối không nhổ răng bao gồm: người bệnh ung thư bạch cầu, hoại tử xương hàm,…
Biến chứng gì nếu không nhổ răng?
1. Đối với răng sữa
Răng sữa ở trẻ nhỏ nếu không nhổ đi sẽ khiến răng vĩnh viễn mọc chậm hoặc mọc lệch, gây đau. Người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống, vệ sinh răng miệng hàng ngày. Nguy hiểm hơn, trẻ có nguy cơ hóc hoặc sặc răng sữa, do răng rụng bất ngờ.
2. Đối với răng viêm nhiễm và chân răng
Răng hoặc chân răng bị viêm nhiễm, không còn khả năng chữa trị được nữa, phải nhổ. Vì sự tồn tại của chúng sẽ gây đau nhức, cản trở những sinh hoạt hàng ngày. Nghiêm trọng hơn, ổ viêm có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương.
Khi ổ viêm lan rộng, chúng gây tổn thương nướu, hư hỏng các răng lân cận. Trong một vài trường hợp nặng, răng và chân răng viêm nhiễm dẫn đến viêm tủy xương, viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu,… ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
3. Đối với răng lệch, ngầm, dị dạng, lạc chỗ
Răng mọc lệch, mọc ngầm, dị dạng, lạc chỗ gây mất thẩm mỹ, khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng. Lâu ngày, chúng gây đau và viêm nướu tại chỗ, cơn đau tái phát nhiều lần có thể tiến triển thành viêm tế bào. Điều này khiến sức khỏe cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, sốt kéo dài,…
Hiện tượng răng mọc lệch, mọc ngầm, dị dạng,… ảnh hưởng đến các răng liền kề, gây ra các bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng, viêm tủy,… kéo theo đó là những bệnh vùng quanh chóp, viêm xương hàm, viêm tổ chức liên kết, viêm nang răng,… Các yếu tố này có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn là viêm xoang hàm, viêm nội tâm mạc. Những biến chứng này khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, làm xáo trộn cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
Gửi thông tin bình luận